Hải Sơn - Nơi cây cảnh ươm mầm giấc mơ làm giàu

67 0 1,5 K
58 đánh giá

Nghề trồng cây cảnh đã giúp người dân Hải Sơn ly nông mà không ly hương để xây dựng nông thôn mới. Toàn xã đang nô nức với ngày hội triển lãm cây cảnh diễn ra ngày 6/4. Không khí ở đây khác hẳn sự trầm lắng của những vùng thuần nông khác.

Hải Sơn - Nơi cây cảnh ươm mầm giấc mơ làm giàu

Ở Hải Sơn, bờ sông cũng được tận dụng trồng “phôi” (cây giống)

1. Cây cảnh từ ruộng bùn lên hội chợ

Trước đây, người dân Hải Sơn không ai tưởng tượng được rằng từ thú chơi tao nhã của các bậc cao niên trong làng (cách đây hơn 100 năm), đã hình thành nên nghề trồng cây cảnh nổi tiếng hiện nay. Hải Sơn từng là xã thuần nông, không có chợ và chẳng gần sông; chỉ có những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nhưng mấy năm gần đây, những khu ruộng “chiêm khê, mùa thối” được thay thế bằng màu xanh bạt ngàn, làm nên những miệt vườn cây cảnh.

Ông Hoàng Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn cho biết: lúc đầu ở Hải Sơn, chỉ có vài hộ trồng cây cảnh với mục đích kinh doanh. Sau đó thấy nghề trồng cây cảnh càng ngày càng cho thu nhập cao nên nhiều hộ trong xã đã chuyển hướng. Tuy nhiên, nghề trồng cây cảnh chỉ phát triển vượt bậc từ năm 2006 khi Đảng ủy xã có nghị quyết  thực hiện Chỉ thị 01 của huyện ủy Hải Hậu về chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, xã Hải Sơn mới quy hoạch được vùng trồng cây cảnh tập trung ở 5 làng gồm các xóm 5, 7, 8, 9, và xóm 11. Giờ đây, thu nhập từ cây cảnh chiếm 2/3 tỷ trọng kinh tế của địa phương. Năm 2010 giá trị kinh tế từ cây cảnh đạt 47 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên gần 100 tỷ đồng.

Hải Sơn - Nơi cây cảnh ươm mầm giấc mơ làm giàu

Ông Vũ Mạnh Thanh - người đầu tiên trồng cây cảnh để kinh doanh ở Hải Sơn

Ông Vũ Mạnh Thanh, 77 tuổi ở xóm 7, người đầu tiên trồng cây cảnh để kinh doanh, cho biết: “Ngày xưa các cụ chơi cây cảnh như một thú chơi tao nhã. Tôi được truyền tình yêu cây cảnh từ người cậu của mình. Khi tổ chức đám cưới cho thằng con cả, tôi mượn của cậu tôi mấy chậu cây cảnh. Sau đó, xin lại 1 cây, rồi nhân ra làm tường rào cây cảnh. Mấy năm sau đó, tôi bán được 400.000 đồng/1 cây, tương đương 2 chỉ vàng. Nhưng từ cây của tôi, người khách hàng đó về tạo dáng, bán được giá trị bằng 1 chiếc xe  máy 81. Từ đó tôi không chỉ trồng “phôi” (cây giống) mà còn đi tham quan học tập để làm cây nghệ thuật, tạo dáng long, trực, xiêu, lão mai... Thấy tôi làm cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao, các con tôi và lớp trẻ trong xã học tập, làm theo và phát triển nghề này như ngày nay. Chính lớp trẻ với tâm huyết và sự nhạy bén đã đưa cây cảnh từ ruộng đến với hội chợ khắp nơi”.

Theo Hội sinh vật cảnh xã Hải Sơn, trong những năm qua, một số hội viên thành lập trang web và nhiều hội viên tham gia hội chợ cây cảnh trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Từ đó, nhiều cây cảnh nghệ thuật tốt được nhiều người biết đến và bán được với giá cao; sản phẩm giá cao nhất là 3,2 tỷ đồng.

Hải Sơn - Nơi cây cảnh ươm mầm giấc mơ làm giàu

Bứng cây lên chậu tham gia triển lãm sinh vật cảnh 

Tại hội chợ cây cảnh Hải Hậu 2011, Hội sinh vật cảnh xã Hải Sơn có 104 tác phẩm tham gia và đoạt giải, trong đó có 4 giải đặc biệt, 18 giải vàng, 37 giải bạc, 45 giải đồng, dẫn đầu các đơn vị tham gia hội chợ. Nhiều cây thế, quất cảnh, cây hoa của Hải Sơn đã có mặt trên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Năm qua,  3/11 xóm ở Hải Sơn (xóm 5, 7, 8) được huyện Hải Hậu công nhận là làng nghề cây cảnh.

2. Vùng quê có nhiều tỷ phú chân đất 

Mấy năm trước khi cây cảnh bắt đầu có giá trị cao, nhiều người dân không tin mình có một gia tài lớn. Bà Phạm Thị Mến, ở xóm 7, kể lại: “Cách đây 3 năm, tôi bán cây cảnh được một cây trị giá 350 triệu đồng. Cầm những cọc tiền mà tôi run lắm. Tôi phải mượn thiết bị soi xem có phải tiền giả không vì không tin vào mắt mình. Bây giờ thì quen rồi. Năm đó, nhà tôi thu nhập 1 tỷ đồng nhưng cũng chưa thấm tháp gì so với nhiều gia đình khác. Có nhà khi nhận tiền của khách mua cây, gọi luôn cả nhân viên ngân hàng đến để gửi tiết kiệm luôn, đỡ phải đếm, mỏi tay”!

Đến nay, Hải Sơn có hơn 2.000 hộ (trong tổng số 2.600 gia đình trong xã) làm nghề trồng cây cảnh trên tổng diện tích 66,5ha, trong đó nhiều hộ trồng từ 1 mẫu trở lên có thu nhập từ hàng tỷ đồng. Nhiều thanh niên đi làm ăn xa đã trở về làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Trần Văn Trung ở xóm 7  là một ví dụ. Từng vào Nam ra Bắc với nghề lái xe, sau 1 lần trở về quê, anh quyết định dồn hết tâm sức cho nghề cha truyền. Sẵn có niềm đam mê, anh trau dồi thêm việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và thành lập trang web giới thiệu sản phẩm, góp phần đưa cây cảnh Hải Sơn trở thành mặt hàng kinh doanh có giá trị kinh tế cao. Hiện anh là chủ của 20 mẫu cây cảnh, khoảng 3.500 cây, thu nhập mỗi năm gần chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động. “ Kinh nghiệm lớn nhất trong nghề cây cảnh là niềm đam mê, phải luôn tâm niệm: mỗi cây cảnh là một đứa con tinh thần để dồn cả tình yêu, tâm huyết vào đó”- Anh Trung tâm sự.

Hải Sơn - Nơi cây cảnh ươm mầm giấc mơ làm giàu

Anh Vũ Văn Tuynh trở thành tỷ phú nhờ nghề cây cảnh

Tỷ phú cùng trang lứa với anh Trung còn phải kể đến anh Vũ Văn Tuynh ở xóm 5. Anh Tuynh làm quen với cây cảnh cách đây gần 20 năm, ban đầu chỉ là niềm đam mê thư giãn sau những giờ lao động vất vả, nhưng sau này là một tài sản. 8 mẫu diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng sang trồng cây cảnh của gia đình anh có trên 2.000 cây, trong đó nhiều cây dáng Long thăng giá trị hàng tỷ đồng. Anh Vũ Văn Tuynh cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm, gia đình tôi càng phải tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, dày công tạo ra những cây cảnh nghệ thuật đẹp để thu hút khách và cạnh tranh trên thị trường”. 

Ông Nguyễn Mạnh Thưởng, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết: “Xã đã có quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh hoa cây cảnh, đạt diện tích 183,26 ha vào năm 2015, phấn đấu 2 xóm nữa được huyện công nhận là làng nghề trồng cây cảnh. Xã xác định đây tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình của nhân dân trong xã.”

“Sở dĩ chúng tôi quy hoạch cả trồng hoa lẫn cây cảnh vì nghề trồng hoa địa lan đã được nhiều gia đình trong xã làm từ hàng chục năm qua và đây là biện pháp giúp các hộ “lấy ngắn nuôi dài” khi việc tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh cảnh gặp khó khăn. Tôi tin từ chủ trương của xã,  những tỷ phú ở Hải Sơn hiện nay sẽ không chỉ dừng ở con số 50 người như hiện nay.”- Ông Nguyễn Mạnh Thưởng cho biết.

Nghề trồng cây cảnh đang là hướng đi có hiệu quả giúp người dân Hải Sơn phát triển kinh tế, ly nông mà không ly hương; đồng thời góp phần cùng với toàn huyện Hải Hậu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới - mô hình điểm của toàn tỉnh Nam Định.

Nguồn: VOV

Bình luận